Suốt 20 năm nay ở thôn Cầu Quan (tỉnh Hải Dương), hình ảnh người vợ cõng chồng của gia đình chú Phúc và cô Mến đã khiến bao người phải rơi nước mắt.
Vậy mà vượt lên số phận, họ vẫn tươi cười trước nghịch cảnh, vẫn rủ rỉ với nhau đủ thứ chuyện trên đời và thỉnh thoảng lại cười với nhau tình tứ. Chẳng ai nghĩ họ đã ngoài 50 và suốt 15 năm nay, cứ đều đặn mỗi năm, người chồng lại phải cắt đi một phần cơ thể của mình.
Nghị lực sống mãnh liệt của đôi vợ muốn làm gương cho con cháu.
Hơn 20 năm về trước, người đàn ông cụt” Ngô Văn Phúc đang lành lặn bỗng dưng đổ bệnh, bác sĩ chẩn đoán chú Phúc bị viêm tắc động mạch dẫn tới hoại tử, muốn cứu mạng chỉ còn cách phải đi ‘cắt thịt’ mỗi năm.
(Ảnh: giaoducthoidai.vn)
Bàng hoàng và đau xót, chú Phúc lúc ấy chỉ muốn chết đi vì sợ thành người tàn phế, làm khổ vợ con. Tuy nhiên, trái với suy nghĩ của chồng, cô Mến lại ra sức động viên để cả 2 tiếp tục sống. Cứ thế ròng rã 20 năm qua, cặp đôi dìu dắt nhau đi khắp các bệnh viện, từ Đông y, Tây y thậm chí tìm đến cả thầy cúng nhưng bệnh vẫn không hề thuyên giảm.
Nhưng buồn lắm các mẹ ạ, họ đã khổ thế mà miệng đời cứ như thêm dầu vào lửa. Kể từ khi câu chuyện của chú Phúc lan ra, khắp trong thôn ngoài xóm, thiên hạ liên tục dị nghị, dèm pha. Họ cho rằng chú Phúc đã mắc bệnh phong (hủi), từ trẻ con đến người già đều tỏ ra kỳ thị và xa lánh cả 2 vợ chồng.
Đã vậy, khi cô Mến tay xách nách mang khăn gói đưa chồng ra bến xe để lên Hà Nội chữa bệnh, có kẻ lại tiếp tục buông những lời như xát muối vào lòng: Lại đưa chồng đi “cắt thịt” à? Cắt thế thì có mà hết à?
Hỏi gì mà vô duyên quá! Sống ở trên đời nào có muốn bệnh tật hay nghèo khó, ai cũng muốn sung sướng, khỏe mạnh và ấm êm. Nhưng số phận trớ trêu, kẻ tham lam thì nhà cao cửa rộng, dân nghèo hiền lành thì chịu lắm tai ương.
(Ảnh: CAND)
Đáng ra, thấy cảnh như thế, họ nên an ủi động viên, thậm chí ‘hảo tâm’ hơn góp chút tiền ủng hộ, nhưng đến cuối cùng, hình ảnh mà đôi vợ chồng nhận lại chỉ là cái nhếch mép khinh bỉ của người đời.
Vậy mà nghị lực của cô chú vẫn cứ như đóa hoa hướng dương, tìm mọi cách vươn về phía mặt trời để sống. Dẫu cho giờ đây, qua hơn chục lần cắt đau đớn, đôi chân của chú Phúc còn chừng chưa đầy 10cm, hai tay cũng ko còn lành lặn, nhưng chú vẫn cố hết mình để phụ giúp vợ con.
Tuy nhiên, để có được tinh thần ấy, chú Phúc đã trải qua những lần đấu tranh với bản thân dữ dội. Khổ nhất là khi những cơn đau nhức ùa về, cào xé tấm thân không lành lặn, chú Phúc lại bò ra ngôi mộ của cha mình ở đầu nhà mà gào khóc: “Bố ơi, con đau quá. Bố ơi, bố cho con đi với!”
Mỗi lần như vậy, cô Mến lại chạy ra khóc theo chồng. Nhưng rồi cô lại ráng giữ bình tĩnh, động viên chú liên tục, sau đó thì vợ cõng chồng về nhà. Cũng có hôm, chú Phúc tìm dây điện để tự sát, may mà cô Mến phát hiện kịp thời. Vậy là từ đó, cô phải canh chừng chú như trẻ lên ba.
(Ảnh: giaoducthoidai.vn)
Ngẫm mà tội cả cô Mến lẫn chú Phúc, họ là những con người thiện lương nhưng không được ông trời ban phước. Dẫu vậy, tình cảm và nhân cách của họ vẫn đáng để chúng ta khâm phục và ngưỡng mộ vô cùng.
Nể nhất vẫn là cô Mến, quần quật mưu sinh từ lúc lấy chồng cho đến khi chồng đổ bệnh, nào chăm con, chăm cháu, rồi lại chăm chồng… nhưng trong lòng không hề oán than. Nghĩ mà xem có ai như cô, nhìn chồng vật vã đành phải kêu gào bác sĩ: “Bác sĩ cứ cho chồng em cắt bớt chân đi, ngắn đến mấy cũng được, cho chồng em bớt đau!”.
Hình ảnh cô Mến đúng là người vợ Tào Khang thời hiện đại, 30 năm lập gia đình chưa được sống sung sướng ngày nào. Vậy mà khi chồng khó khăn vẫn quyết tâm gắn bó. Trong khi rơi vào cảnh ấy, nhiều cô gái đã chạy mất dạng…
Khổ lắm, cực lắm, phải thử sống như cô Mến rồi mới thấm, mới hiểu. Nên nhiều lần cô cũng muốn bỏ đi, nhưng nghĩ cảnh con nhỏ, chồng không làm gì được, rồi cả nhà chết mòn chết mỏi với nhau, cô không cầm được lòng lại quay về.
“Tôi sống để cho con cái nhìn vào để làm gương cho vợ chồng chúng nó. Bố cụt như thế như thế nhưng bố mẹ vẫn hạnh phúc, đủ đầy về tình cảm” – cô tâm sự.
Vợ cõng chồng cắt tứ chi suốt 20 năm (Ảnh: CAND)
Quả đúng như cô Mến đã nói, chúng ta lớn rồi, đã lập gia đình, đã có con cái, thì phải làm gương cho thế hệ sau nữa. Cuộc đời người phụ nữ truân chuyên lắm, sống ích kỷ cho mình thì đơn giản biết bao, còn sống mà chấp nhận hy sinh đánh đổi thì khó khăn gấp bội.
Nhưng càng như thế, chúng ta càng càng nể họ vô cùng các mẹ nhỉ. Mấy ai nghèo khó mà biết yêu thương nhau, mấy ai bệnh tật mà biết vượt lên số phận. Tuy cuộc đời ngang trái cho họ nhiều thử thách, nhưng bù lại, ở cô chú lại đang lan tỏa ra một nghị lực sống rất đỗi phi thường.
Chẳng mong sung sướng cho bản thân, chỉ mong con cháu hạnh phúc.
Không những bệnh tật đọa đày mà cuộc sống gia đình của cô Mến và chú Phúc cũng bi đát không kém. Họ vốn sinh được hai người con, đủ nếp đủ tẻ, nhưng không may đứa con gái đầu lòng sinh ra lại không được lanh lẹ, thông minh.
(Ảnh: giaoducthoidai.vn)
Thế rồi bất ngờ ập đến khi cô con gái ấy lại có người yêu mến và xin lấy về làm vợ. Niềm vui chẳng tày gang thì bi kịch lại gõ cửa, cô gái lấy phải người chồng tối ngày chỉ lo rượu chè, cờ bạc, không chịu tu dưỡng làm ăn.
Đúng lúc chú Phúc đổ bệnh nặng nhất, cần con cái bên cạnh nhất thì cả hai vợ chồng cô con gái bỏ đi biệt tích, không để lại một lời cho gia đình. Cô Mến như chẳng còn nước mắt mà khóc nhưng nghĩ đến con là đôi mắt lại đỏ hoe.
Đã thế, đứa cháu trai duy nhất của họ, bé Ngô Quang Huy lại bị mắc bệnh tim bẩm sinh từng phải trải phẫu thuật. Ba đời chưa hết vận hạn, cô Mến chỉ biết ôm đứa bé trai kháu khỉnh đang ngủ mà đau: “Giờ tâm niệm duy nhất của vợ chồng tôi muốn cháu khỏi bệnh”.
Đau đáu nỗi đau về đứa cháu nhỏ, cô chú vẫn luôn ngày đêm cầu mong cho bé Huy “tai qua nạn khỏi”. Chú Phúc giữ lòng của người từng trải: “Hạnh phúc nhỏ nhoi của tôi là đứa cháu, tôi có thể chịu đựng được hết tất cả “tai họa”, chỉ cần cháu tôi không sao là tôi mãn nguyện lắm rồi”.
(Ảnh: giaoducthoidai.vn)
Cuộc sống ơi, sao lại bất công với một gia đình đến thế, họ đã nghèo khổ và bệnh tật, nay đến đời con cũng không vẹn toàn, đời cháu cũng lắm chông gai. Vậy mà sau tất cả, cặp vợ chồng ấy vẫn không bỏ rơi nhau và không bỏ rơi gia đình.
Tuy vẫn còn đó nhiều khó khăn lắm, nhưng lúc nào căn nhà cũng rộn ràng thấy tiếng cười, thấy mà thương mà nể. Chỉ cầu mong sao có một phép màu để cho cả hai bớt khổ, bởi bây giờ tuổi của họ cũng đã cao, nên được hưởng chút hạnh phúc lúc cuối đời.
Và hỡi các mẹ nhà mình ơi, xin hãy nhìn lại câu chuyện của vợ cõng chồng suốt 20 năm để ngừng than vãn, trách móc số phận bởi ít ra chúng ta vẫn còn lành lặn, vẫn còn may mắn có sức lao động. Còn khỏe là còn tất cả, còn miền tin là còn cuộc sống.
Và hạnh phúc, chỉ mỉm cười cho những người có ý chí vươn lên.
Nguồn: https://www.webtretho.com